Người ta vẫn thường truyền tai nhau rằng mở quán cà phê là “một vốn bốn lời” – vừa nhẹ nhàng, vui vẻ lại dễ sinh lời. Tuy nhiên, để có câu trả lời chính xác cho nhận định này, chúng ta cần phân tích rõ ràng các khoản đầu tư và vận hành thực tế. Trong bài viết này, Namas sẽ giúp bạn nhìn nhận rõ hơn về chi phí mở quán cà phê, cũng như mô hình tài chính thường gặp khi bắt đầu khởi nghiệp với lĩnh vực này.
Mục lục
1. Vốn đầu tư ban đầu – “Cửa ngõ” của hành trình khởi nghiệp
Khi bắt đầu, bạn có thể lựa chọn giữa việc tự thiết kế và setup quán cà phê từ đầu hoặc sang nhượng lại một mô hình đã vận hành sẵn. Giả sử bạn xây dựng một quán có quy mô khoảng 40 chỗ ngồi, đầy đủ nội thất, quầy pha chế và trang thiết bị cơ bản. Chi phí khởi tạo ban đầu có thể vào khoảng 200 triệu đồng. Nếu chia đều khoản này theo kế hoạch khấu hao trong 40 tháng, mỗi tháng bạn cần trích ra 5 triệu đồng chi phí đầu tư.
2. Chi phí vận hành cố định hàng tháng
Đây là phần quan trọng nhất trong việc duy trì quán cà phê hoạt động ổn định. Các khoản chi bao gồm:
a. Thuê mặt bằng
Giá thuê một vị trí tương đối ổn định ở khu dân cư đông đúc, gần trung tâm thường rơi vào 15 triệu đồng mỗi tháng. Tùy khu vực, mức giá này có thể dao động.
b. Điện, nước và mạng Internet
Các thiết bị như máy pha cà phê, máy xay, quạt, đèn, máy lạnh… tiêu tốn khá nhiều điện năng. Thêm vào đó là chi phí nước sinh hoạt, rửa dụng cụ và Internet. Tổng cộng, bạn nên dự trù khoảng 5 triệu đồng/tháng cho các khoản này.
c. Chi phí điều hành
Nếu bạn trực tiếp quản lý, hãy tính chi phí cơ hội tương đương với mức lương bạn đang có – ví dụ 10 triệu/tháng. Nếu thuê người quản lý thay, số tiền này vẫn phải được phân bổ vào ngân sách.
d. Các khoản phí phát sinh
Tiền chi cho tiếp khách, phí mềm (giấy lau, hóa chất tẩy rửa, vật dụng nhỏ) hoặc chi phí địa phương… thường không dưới 6 triệu đồng mỗi tháng.
e. Lương nhân sự
Một quán cà phê cơ bản cần:
01 Barista: 6 triệu
03 nhân viên phục vụ: 18 triệu
01 nhân viên vệ sinh: 4 – 5 triệu
01 bảo vệ ca ngày – đêm: 4 – 5 triệu
Phụ cấp ăn uống nhân viên: 9 triệu
Tổng chi phí lương hàng tháng: 40 – 45 triệu đồng
Tổng định phí mỗi tháng: khoảng 90 – 100 triệu đồng
3. Biến phí – Chi phí vận hành theo sản lượng bán
Giả định rằng:
1kg cà phê nguyên chất giá 150.000 đồng
Đường trắng đi kèm: 20.000 đồng/kg
Đá lạnh: 10.000 đồng/kg
Mỗi kg cà phê pha được khoảng 40 ly, bán với giá trung bình 15.000 đồng/ly → Doanh thu từ 1kg cà phê: 600.000 đồng.
Trừ đi nguyên vật liệu (~180.000 đồng), lợi nhuận gộp thu về là khoảng 480.000 đồng/kg, tương đương 12.000 đồng/lợi nhuận mỗi ly cà phê.
Tuy nhiên, không phải loại đồ uống nào cũng mang lại lợi nhuận như cà phê đen hay sữa đá. Với các thức uống như trà sữa, sinh tố, soda…, lãi suất thực tế chỉ từ 5.000 – 7.000 đồng/ly.
4. Phân tích điểm hòa vốn – Quán phải bán bao nhiêu ly/ngày để sống sót?
Để đủ bù chi phí cố định 94 triệu đồng/tháng, bạn cần bán:
94.000.000 ÷ 30 ngày = ~3.133.000/ngày
3.133.000 ÷ 12.000 đồng/lợi nhuận mỗi ly = khoảng 260 ly/ngày
Vậy bạn phải bán ít nhất 260 ly/ngày mới đủ chi phí, chưa tính lợi nhuận ròng!
Nếu chia đều theo khung giờ:
Buổi sáng: 100 ly
Buổi chiều: 60 ly
Buổi tối: 100 ly
Bất kỳ thời điểm nào bị “fail” do trời mưa, khách ngồi lâu chiếm bàn, hoặc vắng khách giữa tuần, doanh thu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
5. Góc nhìn thực tế: Mở quán cà phê không hề dễ!
Qua bài toán trên, dễ thấy việc vận hành một quán cà phê có lời là không đơn giản như mọi người nghĩ. Dù bạn có bán được trung bình 260 ly/ngày thì đến tận 8 – 9 giờ tối, bạn vẫn chỉ vừa “trả nợ” cho các khoản chi cố định, chưa kể đến rủi ro và khấu hao tài sản.
Ngành cà phê và nhiều lĩnh vực dịch vụ khác thường rơi vào tình huống: Kiếm từng đồng lẻ nhưng lại phải chi những khoản lớn, đòi hỏi người chủ phải cực kỳ cẩn trọng trong quản trị dòng tiền và quản lý chi tiêu.
6. Lời kết
Khởi nghiệp quán cà phê có thể là lựa chọn hấp dẫn, nhưng thành công không đến dễ dàng. Từ bài toán chi phí mở quán cà phê, chúng ta có thể rút ra bài học quan trọng về quản trị chi phí, tối ưu vận hành và lập kế hoạch tài chính chi tiết. Dù bạn mở quán cà phê, tiệm trà sữa hay bất kỳ loại hình F&B nào khác, đừng quên rằng: “Mơ lớn là tốt, nhưng bước đi cần vững”.