Cây tắc, còn gọi là cây quất hay cây cam quất. Đây là một loại cây gắn liền với ngày Tết cổ truyền nước ta. Nó được dùng nhiều để trang trí cổng nhà và hè phố. Ngoài ra, trái của cây tắc còn là nguyên liệu cho nhiều thứ quà ngon và độc đáo. Những món ăn độc đáo đó có thể kể đến như: chén mắm vắt nước tắc, trà tắc mật ong, hay món rượu tắc phải ngâm cả năm mới có được hương vị nồng nàn.
Hôm nay, Namas sẽ chia sẻ cho các bạn cách tự làm mứt tắc tại nhà ngon xịn sò. Cách làm mứt tắc tuy nhiều bước và công phu, nhưng sẽ cho ra những mẻ mứt dẻo dẻo, dai dai.
Cách làm mứt tắc tại nhà
Mục lục
Nguyên liệu:
Đẻ làm mứt tắc tại nhà ngon xịn sò, nguyên liệu cần có gồm:
- 1kg tắc
- 700g đường cát trắng
- 5g vôi sống, vôi ăn trầu
Dụng cụ: dao nhỏ, bàn nạo, chậu nhỏ, hộp thuỷ tinh, chảo gang,…
>>>Xem thêm: Tác dụng của việc ăn chay
Cách làm mứt tắc ngon, dẻo mà không bị đắng:
Bước 1: Làm nước vôi
Trong các công đoạn của cách làm mứt tắc, làm nước vôi để ngâm quất là một công đoạn quan trọng. Nước vôi quyết định quả tắc có giòn và dai không, ăn có thích miệng không.
Để làm nước vôi, ta lấy vôi hoà với nước lạnh trong chậu nhỏ. Khuấy đều cho vôi tan hết.
Sau đó, để cho nước vôi lắng đọng vài tiếng. Khi nào bạn thấy nước vôi trong và tạp chất đã lắng đọng gần hết bên dưới chậu thì đổ lớp nước vôi bên trên vào chậu thuỷ tinh.
Mẹo nhỏ: bạn cũng có thể lọc nước vôi qua một miếng vải sạch hoặc cái rây bột.
Đợi nước vôi lắng trong là một công đoạn tương đối tốn thời gian, do đó bạn nên bắt đầu làm mứt tắc bằng việc chuẩn bị nước vôi. Trong khi nước vôi lắng, bạn hãy thực hiện các bước tiếp theo nhé.
Bước 2: Cạo vỏ tắc
Phần vỏ tắc chứa nhiều loại tinh dầu có mùi và vị đắng. Chính vì thế, trong các bước của cách làm mứt tắc, bước tiếp theo chính là cạo sơ qua lớp vỏ ngoài.
Cách dễ nhất để cạo vỏ tắc là dùng một cái bàn nạo. Đây là đồ dùng nhà bếp thường thấy và được bán ở nhiều chợ, cửa hàng tạp hoá, cửa hàng dụng cụ nấu ăn.
Một tay giữ bàn nạo, bạn hãy cầm trái tắc và chà nhẹ lên lớp gai trên bàn nạo để loại bỏ lớp vỏ bên ngoài. Xoay nhẹ trái tắc để lớp vỏ được chà và nạo đều.
Lưu ý: bạn không nên mạnh tay hoặc nạo quá nhiều. Nếu bạn nạo phải lớp thịt tắc, nước tắc sẽ chảy ra và trái tắc ấy không dùng làm mứt được nữa.
Nếu không có bàn nạo, bạn cũng có thể buộc một lưỡi dao lam vào đầu đũa. Dùng lưỡi dao cạo nhẹ lớp vỏ tắc có vị đắng bên ngoài. Đây là cách làm mứt tắc truyền thống, tuy nhiên lưỡi dao lam sắc bén có thể gây nguy hiểm cho bạn.
Bước 3: Loại bỏ hạt tắc
Hạt tắc có vị đắng và chất cứng, nên khi làm mứt tắc cho ngày Tết người ta luôn bỏ hạt.
Dùng một cây kéo nhỏ, bạn hãy xẻ một lỗ nhỏ ở phần cuống quả tắc. Bóp nhẹ cho hạt và một phần nước bên trong chảy ra. Dùng tô hoặc dĩa rộng vành để hứng nước bên dưới.
Loại bỏ hạt tắc
Lưu ý: bạn không nên vắt sạch nước tắc. Thứ nước này tuy chua nhưng lại làm cho mứt dẻo và thơm hơn!
Phần nước tắc này có thể được dùng để pha mắm nêm thay cho chanh, dùng làm đồ uống như trà tắc mật ong, trà tắc xí muội, hoặc pha thêm nước và đường để uống giải khát đều được. Nếu chưa sử dụng, bạn nhớ bọc kĩ và bảo quản trong tủ lạnh.
Bước 4: Ngâm trái tắc trong nước vôi
Ngâm tắc trong nước vôi
Khi nước vôi ở bước 1 đã được để lắng và phần nước vôi trong đã được lọc rồi, bạn hãy ngâm trái tắc vào nước vôi một buổi (khoảng 5-6 tiếng).
Sau khi ngâm xong, bạn hãy vớt những trái tắc ra rửa thật sạch.
Kế tiếp, bạn hãy nấu một nồi nước sôi và chuẩn bị một chậu nước đá. Khi nước đang sôi, cho trái tắc vào, đảo tắc trong nồi nước sôi để loại bỏ hết phần nước vôi bên trong. Lấy trái tắc đã chần nước sôi ra, ngâm trong nước đá cho trái tắc cứng lại, ít bị dập móp hơn.
Trong các bước làm mứt tắc, đây là bước đòi hỏi sự cẩn thận. Đảo mạnh tay quá có thể làm vỡ dập quả tắc. Mà chần nước sôi, ngâm nước đá không đủ thì trái tắc không được cứng, khi sên sẽ bị vỡ nát.
Sau khi ngâm nước đá xong, bạn hãy vớt trái tắc ra và để ráo nước.
Bước 5: Ngâm đường
Lấy khay thuỷ tinh, bạn hãy trải một lớp đường lên. Tiếp theo, cẩn thận đặt từng trái tắc lên lớp đường, tránh cho trái tắc chèn lên nhau. Rải một lớp đường nữa trên lớp trái tắc trong khay.
Ngâm tắc trong đường
Bạn hãy lặp đi công đoạn một lớp đường – một lớp trái trắc cho tới khi hết tắc.
Lưu ý: tránh xếp tắc quá nhiều lớp, vì đường rải ở những lớp trên sẽ rơi một phần xuống đáy. Như vậy, vị ngọt của mứt sẽ không đều.
Bạn ngâm đường cho tới khi nước tắc còn lại bên trong trái tắc chảy ra và đường tan gần hết. Lúc này, ta đã có thể thực hiện phần tiếp theo của cách làm mứt tắc.
Bước 6: Sên đường làm mứt:
Ở bước này, chúng ta sẽ dùng chảo để sên đường, làm ra những trái mứt tắc có màu nâu nhạt và vị ngọt – chua hoà quyện.
Nếu có thể, bạn hãy dùng loại chảo gang chống dính và đũa, thìa bằng gỗ.
Cho hỗn hợp tắc và đường vào chảo và đặt lên bếp ga. Bật lửa ở mức vừa phải cho chảo nóng lên. Bấy giờ, phần nước tắc còn lại sẽ chảy ra và hoà quyện với phần đường còn sót lại.
Sên đường làm mứt
Khi đường sền sệt lại, bạn hãy hạ nhỏ lửa. Dùng đũa gỗ hoặc thìa gỗ, bạn đảo cho trái tắc phủ đều nước đường sền sệt. Đẩy đường vào trung tâm chảo và trái tắc ra rìa ngoài. Dùng thìa gỗ, bạn múc nước đường ở giữa này và rưới lên trái tắc ở xung quanh.
Lưu ý: Bạn không nên để lửa lớn. Nếu lửa lớn, đường sẽ dễ bị cháy hoặc caramel hoá, có vị đắng và màu nâu sẫm. Khi đó, mẻ mứt tắc của bạn xem như thất bại rồi.
Khi trái tắc dần chuyển màu trong suốt còn nước đường thì đã đặc lại gần hết, bạn hãy tắt bếp.
Bước cuối cùng: Phơi nắng và trình bày
Phơi mứt dưới trời nắng
Nếu trời nắng, bạn có thể đem những miếng mứt tắc vừa làm ra phơi nắng vài tiếng cho trái tắc trong hơn, đẹp hơn. Trái mứt tròn tròn, màu vàng ươm, hơi trong suốt, có độ dẻo và dai, vị hòa quyện giữa ngọt và chua đọng ở nơi đầu lưỡi
Trình bày và thưởng thức
Sau khi đã làm theo cách làm mứt tắc trong bài viết này, bạn hãy thưởng thức món mứt tắc do chính tay mình làm ra. Vị ngọt và chua nhẹ của mứt tắc rất hợp khi dùng kèm với trà xanh có vị đắng nồng nàn, hay với những lát mứt gừng cay cay.
Học viện Namas Chúc bạn thành công!